Tiệc trà đêm trăng diễn ra tại Hồ Văn (thuộc quần thể Văn miếu Quốc Tử Giám) vào cuối tuần qua không chỉ mang đến một buổi trình diễn nghi thức trong văn hóa trà Việt nhiều ấn tượng, mà còn tái hiện lại một phần sắc màu, không khí lung linh của đêm hội kinh thành Thăng Long thuở xưa, là lời tri ân đối với các thế hệ đi trước và nhắc nhở trách nhiệm, bồi đắp giá trị cho các thế hệ sau giữ gìn, tiếp nối các giá trị truyền thống nằm trong hệ giá trị quốc gia, giá trị di sản văn hóa Việt gắn với gia đình, cộng đồng.
Thật lạ là đế tận bây giờ, tôi vẫn cứ nhớ mãi những bụi mưa nhẹ nhàng rơi trong đêm tiệc trà đêm trăng đã diễn ra vào đêm hôm ấy tại Hồ Văn. Trong chút mát lành se se còn sót lại cuối mùa Xuân, những lồng đèn giăng mắc đung đưa khắp nơi: viền quanh hồ, trên những vòm cây và trong tòa Phương Đình ngự chính giữa gò Kim Châu. Bên bậc thềm đá xanh nâu, ánh đèn vàng hắt ngược từ mặt đất lên những đầu đao vút cong. Nhờ đó, những bụi mưa mỏng mảnh như tơ đang hân hoan nhảy múa, lúc rơi xiên, lúc thẳng đứng được nhìn rõ hình hài.
Mưa rơi trên ngọn cây rau dền đỏ mọc bên bậc lên xuống của tòa Phương đình. Giữa không khí tiệc trà đang náo nức, người người chú ý quan sát từng động tác pha trà của trà nương, hay nhâm nhi những mẩu bánh nhỏ, mạn đàm dăm câu chuyện phố chuyện đời – thì chỉ mình tôi lưu tâm bắt gặp và thấy “phải lòng” một luồng sáng cho những bụi mưa hiện hình ấy.
Đối diện với những bụi mưa ánh sáng ấy, hít một hơi thật sâu phảng phất hương trầm, nhấp một ngụm trà thơm – thứ trà Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng hái từ trên những thân cây mọc ở độ cao hơn 1.000m so với mặt nước biển, có tuổi đời lên tới cả mấy trăm năm – tôi khẽ nhắm mắt lại và cảm nhận. Trong từng vị trà thanh chát đang tan dần nơi đầu lưỡi, phảng phất hơi thở đất trời nghìn năm tụ hội. Và những bụi mưa khẽ rơi trong đêm tiệc trà này – hệt như một gạch nối giữa đất với trời, giữa quá khứ đã qua và hiện tại của một buổi tiệc trà đang tái hiện lại đêm hội kinh thành Thăng Long năm nào…
Ngồi bên cạnh tôi là Nhà sử học Lê Văn Lan – một người nặng lòng với lịch sử của dân tộc, đặc biệt là với những ký ức vang bóng một thời của Thủ đô. Có lẽ đó cũng là lý do để không thể thiếu vắng ông trong những sự kiện mang tính về nguồn và tiếp nối trên mảnh đất rống bay lên có tuổi đời hơn cả nghìn năm này. Dù tuổi đã cao, và tôi thấy ông yếu hơn trong nhiều lần gặp gỡ trước đó, nhưng tình yêu, niềm đam mê vẫn dễ dàng được cảm nhận qua đôi mắt sáng và giọng nói hào hứng của ông khi trò chuyện.
“Thăng Long xưa thường xuyên có những đêm hội như thế này: Đèn hoa đăng, cờ quạt, gió Xuân, và những gương mặt văn nhân tài tử” – GS Lê Văn Lan trầm ngâm – “Và trên hết là những tác phẩm thi ca đã nung nấu suốt bao lâu rồi, bây giờ mới có dịp mang đến đây để trình bày, thưởng thức, bình luận. Và thế là một không khí, cảnh quan đầy những chữ. Nhưng chữ thứ nhất là chữ Văn”.
“Chỗ này Hồ Văn, bên kia Văn Miếu, xa hơn nữa là làng Văn Chương… Những chữ Văn như thế nó vượt lên trên của những bài thơ, những tác phẩm văn học. Nó thăng hoa, tỏa sáng, vươn tới chỗ văn hiến – văn hóa –-văn minh. Và thế là một bản sắc, bản lĩnh của Thăng Long xưa truyền lưu cho tới bây giờ để hôm nay lại được tái hiện, phục hiện lộng lẫy huy hoàng, có phần còn hơn cả xưa” – GS Lan nhận định.
Cộng đồng Yêu trà Việt được hình thành và phát triển với mong muốn là Nơi tôn vinh thương hiệu trà Việt, Nghệ nhân trà Việt, Các vùng trà Việt Nam, Các tour trải nghiệm về Trà, Những quyển sách trà hay, Những kiến thức về Trà, Các địa danh trà quán trên cả nước. Qua đó, Quý trà hữu có thể lựa chọn được các sản phẩm trà An Toàn để sử dụng, tìm được các nơi thưởng trà để đàm đạo, đọc được những cuốn sách hay về Trà. Đặc biệt giao lưu kết nối thêm nhiều bạn trà để cuộc sống thêm nhiều giá trị.
Cùng VIETNAM TEASHOP nhìn lại một số hình ảnh tại sự kiện:
Viết bình luận
Bình luận
Hiện tại bài viết này chưa có bình luận.