Trà, thức uống phổ biến đến nỗi, trên thế giới, mỗi bữa sáng ước tính có hơn 2 tỷ người uống trà. Ở Việt Nam, trà là đồ uống giải khát thường ngày, là thú vui thưởng thức, là môn chơi tao nhã, là nghi lễ - phong tục, là nét bản sắc đậm dấu ấn vùng miền… Mỗi phong cách ấy, lại có những phẩm trà khác biệt. Kiếm tìm một loại trà ưng ý, hòa hợp, không khác chuyện tìm người bạn tâm giao để mong người và trà thành mối duyên gắn kết bền lâu theo năm tháng.
Ở một đất nước sản xuất và xuất khẩu trà lớn thứ 5 của thế giới như Việt Nam, nói về sản phẩm trà thật đa dạng, nhưng gần đây, giới mộ trà chú ý nhiều đến những cây chè trên núi cao, gọi là chè Shan Tuyết cổ thụ bởi những yếu tố độc đáo như: tính nguyên bản (đầu dòng), chè mọc tự nhiên, sạch, an toàn, quý hiếm, ích cho sức khỏe, nội chất mạnh mẽ, hương vị đa dạng.
Tìm hiểu giống trà cổ thụ, nghiệm ra điều lạ là trên dải trà Shan Tuyết Việt Nam, trải từ Đông qua Tây Bắc, mỗi vùng thổ nhưỡng khác biệt, hương vị trà cũng thế mà có nhiều biến đổi. Trà từ phía Đông như Quản Bạ, Tây Côn Lĩnh, Hoàng Su Phì của Hà Giang thiên về vị ngọt hậu, chuyển qua cực Tây với Tủa Chùa của Điện Biên sẽ nồng nàn đắng chát, trục giữa có vùng trà cổ thụ ở Tà Xùa Sơn La, lại mang sự cân bằng hoàn hảo ở cả hương – vị trong nội chất trà.
Nhắc đến Tà Xùa, người yêu thiên nhiên, mây núi hẳn không lạ bởi đó là điểm đến lý tưởng ngoạn cảnh mây nổi danh ở vùng Tây Bắc. Tà Xùa mây trắng muốt, dắt díu nhau tụ quanh các vùng thung lũng mỗi ngày, mỗi mùa, tạo thành biển mây kỳ ảo, được mệnh danh là thiên đường mây, khiến khách xuôi phải thổn thức trước hùng vĩ, bao la, trùng điệp của mây núi, đất trời.
Trở lại với cây trà cổ thụ, Tà Xùa sở hữu vùng trà rộng lớn quanh bản làng người H’mông trên núi cao, được công nhận là quần thể Cây di sản. Và thức mây kỳ diệu kia, cứ từng ngày trôi khắp vùng thung lũng, qua những cánh rừng trà, nhờ vậy cây trà Tà Xùa như được tôi luyện trong không gian của thanh khiết, kết hợp dưỡng chất từ lớp đất đá giàu mỏ quặng, khoáng sản như sericit, cao lanh, uran… cùng tuổi đời bình quân những cây trà thuộc vùng cây di sản đều trên 200 năm, chỉ với yếu tố thiên nhiên, đã thấy ở vùng trà cổ thụ Tà Xùa có nhiều khác biệt.
Người H’mông Tà Xùa gắn bó với trà, sống xen với trà, việc thu hái, sao sấy, tạo những phẩm trà phong vị Tà Xùa, đã là đúc kết từ bao đời. Nhớ lần đầu thưởng thức hương vị của chén trà từ mây núi Tà Xùa, đã ấn tượng ngay bởi hương thơm dịu dàng, thanh mới của mẻ trà vừa hoàn thiện, nhưng bất ngờ hơn là hậu chát rất nhẹ, không hề gắt để rồi tôn lên vị ngọt thanh êm, kéo dài. Đấy là chuyện của hơn 10 năm về trước, khi phương cách thu hái, kỹ thuật chế biến trà Tà Xùa còn nhiều thô sơ, đơn giản.
Viết bình luận
Bình luận
Hiện tại bài viết này chưa có bình luận.