Tháng 9/2019, anh Đào Đức Hiếu đã thiết kế, xây dựng Không gian văn hóa trà Suối Giàng với mong muốn phát triển giá trị của trà Suối Giàng gắn với xuất khẩu, phát triển du lịch, gia tăng kinh tế, tạo công ăn việc làm cho bà con người Mông. Lên Suối Giàng nơi được mệnh danh là “Đệ nhất kỳ quan trà Việt Nam” với thứ trà đặc biệt mang tên shan tuyết từ những cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Không gian văn hóa được thiết kế đơn giản, theo đúng bản sắc văn hóa người Mông, tạo cảm giác gần gũi, thân thiện và thư thái. Từ bộ dụng cụ uống trà cho đến từng chén trà ở đây đều toát lên sự cầu toàn và trân trọng khách thưởng trà.
Anh Đào Đức Hiếu bên cây trà shan tuyết cổ thụ Suối Giàng hơn 500 năm tuổi
Anh Đào Đức Hiếu với niềm đam mê thưởng thức trà, anh đã tìm hiểu và ấp ủ ước mơ đưa trà Suối Giàng ra thế giới bởi khi đặt chân lên vùng đất này sương mù quyện lấy những ngọn núi, búp chè chờn vờn trong làn sương mờ ảo tạo nên không gian tuyệt vời mang nét đặc trưng riêng. Anh đã nhận thấy tiềm năng phát triển trà và du lịch nơi mảnh đất mờ sương. Không gian văn hóa trà Suối Giàng đầy sáng tạo, các trà nhân pha những ấm trà shan tuyết thơm ngon một cách tỉ mỉ, thận trọng như một nghệ nhân say mê với tác phẩm của mình.
Anh Hiếu chia sẻ đầy tự hào: “Chè Shan tuyết Suối Giàng xưa nay được xếp đầu bảng trong các loại chè và được gọi là chè “năm cực”: “cực khổ” - khi trồng và thu hái; “cực sạch” - do điều kiện khí hậu tự nhiên hoang dã ; “cực hiếm” - sản lượng ít; “cực ngon” - có hương thơm, vị đậm và “cực đắt”.
Nỗ lực cho ước mơ đưa chè Shan tuyết ra thế giới: Theo anh Hiếu, Lịch sử cây trà ở Suối Giàng xuất hiện từ bao giờ cho đến nay vẫn chưa xác định được, nhưng từ những năm 1960, các nhà nghiên cứu về trà ở Việt Nam và thế giới đã xác định có khoảng 80.000 cây trà Shan Tuyết có tuổi đời trên 200 năm, nhiều cây lên tới 300 năm tuổi. Loại trà trên 100 năm thì nhiều vô kể. Diện tích rừng trà Suối Giàng bao phủ khoảng 293ha.
Mặc dù Suối Giàng không phải là nơi duy nhất có những cây trà cổ thụ, nhưng xét về cả số lượng lẫn tuổi đời thì không đâu sánh được. Chè shan tuyết Suối Giàng được hái trên núi cao, lá trà khi hái có lớp lông mướt trắng ở đọt trà, sau khi sao khô thì lớp lông mao này vẫn bám chặt vào thành lá và tạo nên màu trắng như tuyết ở trên cánh trà và đặc biệt hơn khi pha loại trà này sẽ cho ra nước màu trắng và trong trẻo. Trà được hái chọn lọc từ búp chè 1 tôm và 1 lá non liền kề của cây chè cổ thụ có độ tuổi trên 300 năm tuổi tại Suối Giàng, Văn Chấn, Yên Bái chính gốc, là chè rừng tự nhiên được người dân thuần hóa và thu hoạch.
“Mong muốn tại Không gian văn hóa trà Suối Giàng sẽ giúp du khách được hòa mình vào không gian giữa đỉnh núi hoang sơ để có cảm nhận rõ nét về văn hóa độc đáo của người dân bản địa. Chúng tôi cũng mời các nghệ nhân, chuyên gia về trà đến để giới thiệu đặc sản chè shan tuyết đến với mọi du khách, để mọi người hiểu hơn về loại trà đặc biệt và thưởng trà để cảm nhận được hương vị tinh túy của đất, trời, mây, gió trong chén trà đặc sản. Ngoài ra, chúng tôi cũng có một số phòng lưu trú cộng đồng và gia đình để du khách có điểm dừng chân trải nghiệm sức sống vùng cao và hòa mình vào đời sống của người dân vùng sơn cước” – anh Hiếu chia sẻ về khát vọng, tâm huyết của mình.
Đào Đức Hiếu với khát vọng lớn đã làm nên bước ngoặt quan trọng
Được Bộ Ngoại Giao lựa chọn là nghệ nhân Việt Nam giao lưu với hiệp hội trà đạo Nhật Bản
Hy vọng bằng khát khao, niềm đam mê trà, sự nỗ lực từng ngày anh Đào Đức Hiếu sẽ đưa trà shan tuyết Suối Giàng ra thế giới.
Viết bình luận
Bình luận
Hiện tại bài viết này chưa có bình luận.