Để bảo tồn loài cây di sản đặc biệt và có giá trị kinh tế cao này, các nhà khoa học của Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đề nghị các cơ quan chuyên môn của huyện và UBND xã Suối Giàng cần tập trung quản lý hiệu quả diện tích chè hiện có và những cây chè đã được công nhận cây di sản.
Sáng 16/2, UBND huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái đã tổ chức Lễ đón nhận bằng chứng nhận “Cây di sản Việt Nam” do Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam trao cho quần thể 400 cây chè Shan tuyết cổ thụ tại xã Suối Giàng.
Quần thể cây chè Shan tuyết cổ thụ tại xã Suối Giàng, mọc tự nhiên ở độ cao từ 1.300 -1.800 m so với mặt nước biển trên dãy Hoàng Liên Sơn, quanh năm được bao bọc bởi mây mù. Đây được xem là vùng chè cổ thụ lớn, với tuổi đời từ 100 đến 300 năm. Đặc biệt hơn, những cây chè cổ thụ này còn được các nhà khoa học xác định đây là thủy tổ của cây chè trên thế giới.
Cán bộ huyện Văn Chấn và đồng bào người Mông xã Suối Giàng vui mừng đón nhận bằng công nhận "Cây di sản Việt Nam" cho quần thể 400 cây chè Shan tuyết cổ thụ |
Quần thể 400 cây chè được công nhận lần này được mọc tập trung ở 4 thôn của xã là Giàng A, Giàng B, Pang Cán và Bản Mới, hiện đang được hàng trăm hộ dân quản lý, chăm sóc và thu hái bán chè búp tươi, chế biến thành các sản phẩm chè mang thương hiệu chè Shan tuyết Suối Giàng, được giới sành chè trong và ngoài nước biết đến.
Phát biểu tại buổi lễ đón nhận Bằng công nhận cây di sản Việt Nam, GS-TSKH Đặng Huy Huỳnh - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam - Chủ tịch Hội đồng cây di sản Việt Nam khẳng định quần thể cây chè Shan tuyết ở Suối Giàng có những yếu tố đặc biệt, để trở thành cây di sản của Việt Nam.
“Những cây chè cổ thụ được coi là tài sản vô giá của bà con người Mông ở Suối Giàng. Nó được xem như biểu tượng của vùng đất giàu truyền thống lịch sử. Bên cạnh những giá trị lịch sử, văn hóa, hàng chục năm qua cây chè Suối Giàng còn được người dân ở đây khai thác, mang lại những giá trị kinh tế cho người dân ở đây” - GS-TSKH Đặng Huy Huỳnh nói.
Phát biểu tại Lễ, ông Hồ Đức Hợp - Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn nhấn mạnh: Để tiếp tục phát huy và bảo tồn giá trị về kinh tế, văn hóa, du lịch của quần thể chè Shan tuyết Suối Giàng, trong thời gian tới UBND huyện, các cơ quan chuyên môn và UBND xã Suối Giàng cần tập trung xây dựng phương án quy hoạch tổng thể phát triển bền vững kinh tế xã Suối Giàng, trong đó có sự tham gia của các nhà quản lý, các nhà khoa học, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư; Thực hiện đề án bảo vệ và phát triển vùng chè Shan tuyết Suối Giàng…
“Bên cạnh đó, huyện Văn Chấn sẽ quy hoạch và phát triển du lịch sinh thái kết hợp với du lịch khám phá, kết hợp với các sản phẩm du lịch, lấy trọng tâm là quần thể cây chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng; Tăng cường quảng bá hình ảnh thông qua các sản phẩm du lịch” - Ông Hồ Đức Hợp cho hay.
Không chỉ mang lại giá trị kinh tế, cây chè Shan tuyết cổ còn gắn bó mật thiết đến đời sống tinh thần đồng bào người Mông ở xã vùng cao Suối Giàng nói riêng và huyện Văn Chấn nói chung |
Là lần công nhận cây di sản Việt Nam đầu tiên của huyện Văn Chấn với số lượng lớn cây chè Shan tuyết được vinh danh, đây là sự kiện văn hóa quan trọng đối với địa phương, có ý nghĩa sâu sắc về chính trị, kinh tế, văn hóa nhân văn.
Việc lựa chọn và vinh danh những cây chè cổ thụ không chỉ nhằm trực tiếp bảo vệ nguồn gen tiêu biểu, quý hiếm của cây chè Shan tuyết ở nước ta mà còn giới thiệu sự phong phú, đa dạng của hệ thực vật Việt Nam với bạn bè thế giới; quảng bá du lịch sinh thái Suối Giàng nói riêng cũng như các khu du lịch khác trên địa bàn huyện Văn Chấn và tỉnh Yên Bái nói chung.
Dự kiến, trong tương lai, khi lượng khách du lịch đến với Suối Giàng ngày càng nhiều thì cần bố trí dịch vụ, nhà hàng, nhà nghỉ để phục vụ du khách được tốt hơn; Bảo vệ và giữ gìn đa dạng hệ sinh thái rừng, bảo vệ nguồn nước để bảo vệ cái nôi hình thành nên quần thể chè Shan tuyết.
“Chính quyền và người dân cần quan tâm chăm sóc, thu hái, chế biến đúng quy trình kỹ thuật, bảo vệ và phát triển thương hiệu chè Suối Giàng, mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm chè, góp phần bảo vệ, bảo tồn và phát triển giá trị về kinh tế, văn hóa, du lịch của quần thể cây chè shan tuyết cổ thụ Suối Giàng, nâng cao đời sống và thu nhập của nhân dân” - GS-TSKH Đặng Huy Huỳnh - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam nhấn mạnh..
Bài & ảnh:Việt Hùng
Viết bình luận
Bình luận
Hiện tại bài viết này chưa có bình luận.